Tuesday, October 3, 2017

Thực tiễn quy trình tạo hình 3D (Tạo hình từ vật có sẵn) Chủ đề Thiết kế sân chơi

Thực tiễn quy trình tạo hình 3D (Tạo hình từ vật có sẵn)
                                        Chủ đề Thiết kế sân chơi

Làm thế nào để tiếp cận một chủ đề? Quy trình tạo hình 3D khác với quy trình xây dựng cốt truyện ở điểm nào? Là những thắc mắc đầu tiên mà tôi mắc phải khi bắt đầu mới thực hiện,bài viết này chỉ đề cập đến quy trình tạo hình 3D qua một dự án nhỏ “thiết kế sân chơi” dành cho lứa tuổi 5-7 thực hiện tại trung tâm EGS,vì rất nhiều lí do, dự án này chỉ đi được 2/3 chặng đường ….

Khác với cách tiếp cận truyền thống trong dạy học nhằm trả lời một câu hỏi nào đó của giáo viên hay làm rõ một đơn vị thông tin của bài học , cách tiếp cận trong mô hình mới là để các em tìm hiểu ,khám phá không dựa trên những kế hoạch sẵn có mà theo một tiến trình rất tự nhiên, nó giúp các em sử dụng các kỹ năng ,cách giải quyết vấn đề,thúc đẩy động lực bên trong. Quy trình tạo hình 3D bao giờ cũng qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bắt đầu- Tìm hiểu về chủ đề đang học.
Giai đoạn này có thể sử dụng một số tài liệu như đồ vật,tranh ảnh,sách vở có liên quan đến chủ đề,hay những vật dụng mà các con mang ở nhà đi và chúng ta sẽ tiến hành thảo luận về những trải nghiệm với nó
Hoặc giáo viên có thể mời các con vẽ ,mô tả những kinh nghiệm cũ liên quan đến những gì mà các em đang học
Hay lập bản đồ tư duy để tìm ý tưởng thể hiện cho nhóm về chủ đề đang học
Tiếp đó giáo viên sẽ nói với các em về cách bắt đầu nghiên cứu như suy nghĩ về nơi có thể đi thực địa hay có thể nói chuyện với ai để lấy thông tin hay tìm kiếm các tài nguyên ở đâu?
Nói tóm lại công việc của giai đoạn 1 là giúp học sinh lựa chọn và tinh chỉnh chủ đề

Giai đoạn 2: Tham quan thực địa
Giai đoạn này bao gồm điều tra thông tin,vẽ ,làm mô hình.
Hãy cho trẻ mang theo bảng vẽ ,giấy ,bút chì để vẽ những gì mà chúng quan sát, khuyến khích các con mang theo túi để có thể tìm được những vật liệu có thể sử dụng trong quá trình thực địa.
Khi trở về từ công việc thực địa hãy báo cáo những gì mà các con tìm thấy cho cả lớp như bản vẽ hay các vật liệu thu thập được.

Giai đoạn 3: Trưng bày bao gồm khâu chuẩn bị và trình bày báo cáo kết quả
Ba giai đoạn tiếp cận trong quy trình được ví như đầu bài ,thân và kết luận trong một câu chuyện mà nếu bỏ qua một trong các khâu sẽ không còn ý nghĩa nguyên vẹn của nó.

Sau đây tôi sẽ phân tích các giai đoạn trong chủ đề “Thiết kế sân chơi” ở chủ đề này Các con sẽ trải nghiệm và làm quên với kiến trúc bằng cách thiết kế ,xây dựng một sân chơi của riêng mình

Mục tiêu:
-Trải nghiệm và xây dựng ý tưởng
-Hợp tác nhóm
-Điều tra thông tin
-Kỹ năng sử dụng các vật liệu
-sắp xếp tổ chức

Vật liệu dự kiến:
•        Hộp giấy với các kích thước khác nhau
•        Lõi giấy
•        Ống hút
•        bóng mềm
•        nắp chai nhựa
•        kẽm nhung
•        ống nước ngắn
•        keo
•        kéo
•        Tấm xốp
•        Bông gòn hình cầu

Hoạt động trải nghiệm












Chúng tôi bắt đầu dự án bằng cách vẽ một bức tranh lớn về những gì mà các con nghĩ là mình thích nhất khi chơi ngoài trời  và viết tất cả về chúng.Thông qua hoạt động này sẽ cho chúng ta biết những kinh nghiệm các em đã có về chủ đề.

Trong giai đoạn này bản vẽ của các em rất đơn giản ,không chính xác và ấn tượng,thông qua bản vẽ giáo viên cùng học sinh sẽ tái thiết lại một sân chơi chi tiết hơn thông qua bản vẽ từ tí nhớ,điều này cũng sẽ giúp cho các con chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn khác với những lời tựa đề giới thiệu.Những chi tiết đó giúp giáo viên hiểu được mức độ hiểu biết của học sinh về chủ đề đang học

Tôi cho các bạn giải lao 10 phút với những trò chơi mà các bạn lựa chọn trong công viên, do điều kiện, các con chỉ được phép chơi những trò chơi miễn phí, hoạt động ngắn ngủi này sẽ cho các em lựa chọn đúng mối quan tâm của mình.Hình thành những kinh nghiệm mới

 Giai đoạn 2 các em sẽ được tham gia vào hoạt động quan sát, các ý tưởng sẽ bắt đầu được nhen nhóm , cùng với các chi tiết kiến thức về chủ đề.

Chúng tôi  khám phá về sân chơi ở công viên và khám phá một số hình dạng ,sự khác biệt của kích thước cấu trúc và màu sắc,bằng cách kí họa cũng như quan sát cách sắp xếp bố trí trong công viên.




 









Sau chuyến thực địa chúng tôi trở về lớp học, cùng nhau thảo luận kinh nghiệm về những gì mình quan sát và vẽ ,ví dụ như bạn Đăng nói rằng: con nhìn thấy thân của cầu trượt như hình chữ nhật,mái có hình tam giác ,con sử dụng đường zich zắc để vẽ cầu thang.Hay bạn Bảo nói rằng :Các đường tàu giống như con rắn….sự khám phá này là cơ sở để các con chuyển sang hoạt động tra cứu để tăng thêm sự hiểu biết về chủ đề
Chúng tôi nghiên cứu cấu trúc của mô hìnhtrong tài liệu tôi tự làm,vì không đủ điều kiện về tạp chí ,tranh chuyện và yêu cầu các bạn nhỏ vẽ 4 cấu trúc.Sau dó các con sẽ chọn lấy cái tốt nhất .

Hầu hết các bản vẽ trong giai đoạn 2 là quan sát, việc quan sát sẽ giúp cho các con có thêm nhiều thông tin, quan sát chặt chẽ sẽ giúp các con khám phá mối quan hệ của các hình khối trong sự vật, ngoài ra việc vẽ theo quan sát sẽ giúp các em tăng khả năng tư duy và phân tích, bản vẽ của các em chi tiết hơn ,tinh vi hơn, thể hiện nhiều kiến thức hơn về chủ đề. Liệu việc sao chép theo quan sát đó có đi ngược lại với tiêu chí sáng tạo không? Câu trả lời là không! Bởi sáng tạo luôn bắt đầu bằng khả năng bắt chước ,hơn nữa trong quá trình vẽ theo quan sát một số em sẽ đưa vào đó cả những hình ảnh theo trí nhớ và tưởng tượng của mình vì thế mà phát triển cảm giác biểu hiện và sự sáng tạo








Trong giai đoạn 2 này bằng những vật liệu đã có sẵn , tôi khuyến khích trẻ suy nghĩ liệu con có thể sử dụng những gì cho mô hình của mình và khuyến khích những vật liệu bổ sung, đây là một trong những hoạt động khá vất vả , việc không chuẩn bị sẵn  vật liệu đầy đủ là một rào cản trong việc kích thích tư duy của các con, lúc này nguyên vật liệu đóng vai trò là một người thầy của trẻ, nhất là những lứa tuổi còn nhỏ ,theo kinh nghiệm của tôi thì không nên ỷ lại việc chuẩn bị vật liệu cho phụ huynh , bởi vì thực ra họ không thực sự hiểu và hình dung ra được quy trình của bài học, giáo viên nên chủ động tạo ra một kho vật liệu sẵn có như là môt gợi ý mở cho trò.Và theo nguyên tắc thì giáo viên không được cho các con xem những mô hình có sẵn, chính vì vậy khả năng thích ứng của giáo viên lúc này sẽ được phát huy, có thể nói đây là khâu khá căng thẳng với người dạy nếu trò không thực sự nhanh nhẹn.Thông qua làm việc với vật liệu trẻ lại một lần nữa được suy nghĩ với chủ đề vì thế mà khả năng tư duy, cảm giác biểu hiện và sự sáng tạo cũng được kích hoạt theo.

Như vậy nếu ở giai đoạn 1 trẻ vẽ bằng những kí hiệu đơn giản, thì sang giai đoạn 2 bản vẽ quan sát đã tinh tễ hơn ,chính xác hơn và cuối cùng phát triển khả năng biểu hiện và sáng tạo ở sản phẩm.

Các con sẽ tìm kiếm vật liệu phù hợp và bắt đầu xây dựng mô hình.Các con sẽ đo cắt,dán ,băng ,kết hợp tất cả những vật liệu và cảm nhận sự vui vẻ khi thực hiện ý tưởng, ở hoạt động này chúng ta sẽ bắt gặp một khó khăn trong khả năng vận động tinh của các con, để lắp ghép các mô hình nó đòi hỏi khả năng khéo léo của bàn
tay, buộc người lớn phải can thiệp ở khâu cưa ,cắt các vật liệu và sự chuẩn bị đầy đủ của các công cụ cần thiết như, kéo,cưa ,keo ,keo nến…..Những công cụ này sẽ giúp cho các thao tác của các con dễ dàng hơn.Thực tế cho thấy khả năng vận động tinh không phải ở trẻ nào cũng tốt.




Lớp học sẽ trở thành xưởng kỹ thuật đầy thú vị. Các con sẽ sử dụng kỹ năng hợp tác nhóm để giải quyết vấn đề. Các con sẽ thích thú thử nghiệm với nhiềm vật liệu khác nhau











Ngày thứ 4 các con sẽ vẽ  thảo luận không gian cho mô hình của mình để nhớ lại và hình dung ra không gian của sân chơi, ở hoạt động này không đòi hỏi các con phải vẽ hoàn chỉnh như một bức tranh mà chỉ là một hoạt động chuyển tiếp trong tư duy không gian 2 chiều sang không gian 3 chiều và cuối cùng đi dến một thống nhất đó là một mô hình cần có không gian bầu trời phía sau và nền,quyết định  cùng nhau vẽ nền cho mô hình sân chơi lớn của mình tượng trưng cho cỏ với đường viền đen xung quanh như một khuôn viên
Các con vẽ một nền với côn trùng,b rùa cũng như sâu ,bướm trong cỏ xanh.Cũng như thế các con sẽ vẽ bầu trời cho sân chơi của mình
Ngày cuối cùng, giáo viên sẽ nhận xét quá trình làm việc của các con ,danh thời gian để sắp xếp trưng bày sản phẩm nơi công cộng, ở chủ đề này tôi không chủ trương cho các con thuyết trình sản phẩm mà việc cùng sắp xếp và trưng bày cũng là một cách để đánh giá.

Thực tế cho thấy đây là một quy trình khó đối với các bạn nhỏ, kể cả những học sinh lớp 4,5. Có khá nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng với một cảm giác “không thể hoàn thành” sở dĩ vì vậy bởi không có một phương pháp nào là vạn năng,không có một phương pháp nào là phù hợp với tất cả các bạn nhỏ,điều đó không có nghĩa là các em kém cỏi mà bởi vì nó chưa thực sự phù hợp với các em.Quan điểm dạy học này khá phù hợp với những bạn có tính cách hướng ngoại thích vận động, nó cũng đòi hỏi một khả năng về sự nhanh nhạy trong tư duy.
                                                                               Lê Thủy

1 comment:

  1. Rất logic và khoa học... nó phù hợp cho lớp học chuyên sâu về mĩ thuật,như ở clb mĩ thuật hay nhà văn hóa thiếu nhi các trung tâm năng khiếu. Với trường học chắc không làm được
    Cô Thủy đã nghĩ đến sẽ tích hợp các qui trình 3d này trong trường học chưa?
    Dựa trên cơ sơ kho hình ảnh các bài học về trang trí, tĩnh vât, vẽ cùng nhau... lúc đó học sinh đã trải ngiệm qua 2 qui trình (vẽ theo tưởng tương- vẽ qua quan sát) đi luôn vào thảo luận tìm vật liệu(qui trình3) bước xang thể hiện (qui trình 4) tư duy và hình thành sản phẩm 3 chiều.

    Trong ưu điểm lớn nhất của pp Đan mạch, trẻ đc trải nghiệm giao tiếp, trải nghiệm tính liên tục phát triển các qui trình 1 cách logic. Nhưng hiện tại tính logic và liên tục đó chỉ xảy ra ở 1 chủ đề cụ thể . ví dụ về trang trí , hay 3d, vẽ cùng nhau... trò sẽ quên ngay chủ đề đó khi trải nghiệm xang chủ đề khác.
    Có thể khắc phục nhược điểm này qua việc thảo luận lại về các sản phẩm có sẵn của các chủ đề 2d trước (vẽ họa tiết, vẽ đồ vật, con vật, người, cảnh vật) các hình ảnh có sẵn đó hoàn toàn có thể tham gia vào trong qui trình chung 3d. Đẩm bảo tính liên tục, thú vị và bất ngờ cho hoạt động trải nghiêm bộ môn. các sản phẩm trước đó hoàn toàn có thể chắt lọc tái tạo thành sản phẩm 3d, chí ít cũng là bản thiết kế, thiết kế ý tưởng cho các qui trình 3d.
    Thiết nghĩ , tham gia vào trải nghiệm qui trình 3d bài bản sẽ rất khó trong trường học. Nhưng linh động sử dụng các qui trình có sẵn trước đó, các trường lớp học hoàn toàn cho học sinh mình những trải nghiệm thú vị và phù hợp

    ReplyDelete