Tuesday, July 27, 2021

BÁO CÁO THỰC TIỄN DẠY HỌC MĨ THUẬT 1-KNTTVCS NĂM HỌC 2020-2021

 

BÁO CÁO THỰC TIỄN DẠY HỌC MĨ THUẬT 1-KNTTVCS

NĂM HỌC 2020-2021

I.Thực tiễn đầu vào:

Năm học 2020-2021 Trường Tiểu học Vinh Tân có 7 lớp 1,qua thực tiễn tôi có một vài nhận xét sau:

Hầu hết các em đã qua tốt nghiệp trường mầm non,tuy nhiên các kĩ năng của tiền tiểu học để giúp các em chuyển sang một giai đoạn mới ở tiểu học vẫn còn yếu như:Kĩ năng cắt ,xé dán,kĩ năng sử dụng bút chì,kĩ năng tô màu,các kĩ năng vận động tinh…..

Về mặt nhận thức các em chưa tích lũy được nhiều thông tin từ cuộc sống,nó phản ánh ở khả năng quan sát  đời sống thực tiễn xung quanh.

Về mặt tư duy các em vẫn còn chậm nó thể hiên trong khả năng giải quyết vấn  đề qua các chủ đề.

Thực trạng này khá phù hợp với thực tế của trường những năm trước đây.

Do đó trong quá trình giảng dạy,giáo viên có những thay đổi để phù hợp với hiện trạng giáo dục của mình.

II.Những thay đổi trong phương pháp tiếp cận của giáo viên

Với thực tế học sinh đa dạng ,GV phải khá linh động trong dạy học giữa các lớp học có mức tiếp nhận và kĩ năng chênh lệch nhau, và có sự điều chỉnh ,chọn lọc sao cho phù hợp với học sinh trường mình.

Hướng đi của chúng tôi là:

+Giữ nguyên hình thức tổ chức lớp học truyền thống,điều này phù hợp với số lượng học sinh,thời gian tiết học,khoảng cách thời gian giữa các tiết học và số lượng lớp học mà gv đảm nhiệm.

+Giữ nguyên nội dung và mục tiêu dạy học của các chủ đề.Điều này để đảm bảo tính lộ trình của giáo trình và quan điểm của bộ sách.

+Mỗi tiết học,chúng tôi cắt ra một nội dung,có thể 2 tiết cho hoạt động thực hành .Điều này có cái lợi là mỗi tiết học sẽ đảm bảo một đơn vị kiến thức trong chủ đề ,nên bài học sẽ trở nên nhẹ nhàng với HS và chủ đề có một mạch lozich dễ hiểu,học sinh được rèn các kĩ năng khác nhau qua mỗi tiết học.Sản phẩm ở mỗi tiết học không nhất thiết phải là hoạt động vẽ tranh hay tạo hình 3D mà nó còn phụ thuộc vào nội dung của tiết học.Việc cắt nhỏ nội dung sẽ thuận lợi hơn cho GV trong việc phải bảo quản một dự án dài ngày với số lượng HS đông và điều kiện chưa đủ.Tuy nhiên việc cắt tiết đơn nó cũng có một hạn chế trong việc phát triển mạch tư duy của học sinh cũng như việc thực hiện quan điểm dạy học phát triển năng lực một cách triệt để.

+GV thay đổi ý tưởng của chủ đề và phương pháp dạy học,cũng như linh hoạt trong tiến trình bài học mà bộ sách đưa ra.Điều này để phù hợp với thực tiễn của từng đối tượng lớp học và khả năng của học sinh.

*Về ý tưởng:Sự thay đổi ý tưởng để phù hợp hơn với nguồn vật liệu có thể sử dụng trong lớp học,cũng như khả năng mà học sinh có thể thực hiện. Giáo viên có thể lên mạng tìm kiếm với nguồn tài nguyên khổng lồ hoặc  những ý tưởng nảy sinh từ quá trình dạy học.Ý tưởng các chủ đề cụ thể tôi đã lưu lại tại fb và blog

Ví dụ:ở chủ đề 2 thay vì trang trí bằng lọ thủy tinh thì tôi cho học sinh tạo hình túi và trang trí bằng chấm hay trang trí đĩa giấy …..Chủ đề 3 tôi cho học sinh làm thảm hoặc đèn lồng trang trí bằng giấy…Chủ đề 4 tôi có thể cho học sinh chơi với bộ đồ hình học trong môn toán để các em tạo hình theo trí tưởng tượng của mình hay cho các em tạo hình những chiếc bánh từ hình cơ bản bằng giấy và trang trí bằng đất nặn và tạo thành một” bữa tiệc của em” .Chủ đề 5 tôi có thể cho các bạn học cách đặt các màu cơ bản với nhau để tạo thành một thiết kế bằng giấy thủ công…..Chủ đề 6 tôi cho học sinh thực hành kĩ năng nặn khối bằng một ý tưởng về giáng sinh…..Chủ đề 9 tôi cho học sinh thực hành một sản phẩm 3D về trường học bằng giấy….

Những ý tưởng mà chúng tôi sử dụng đều xoay quanh những vật liệu cơ bản nhất có thể sử dụng trong trường học như:màu,đất nặn,giấy thủ công,kéo,keo dán ,trong đó có một số lớp có điều kiện hơn thì có thể sử dụng đĩa giấy và cốc giấy

Rút kinh nghiệm từ chương trình của dự án Đan Mạch cũng như qua một năm thực hiện, tôi thấy rằng GVMT cần kết hợp với GV chủ nhủ nhiệm để thuận lợi hơn trong việc thực hiên các ý tưởng bài học và kết quả của học sinh.Thông qua hệ thống zalo GVMT có thể kịp thời nhắc nhở phụ huynh chuẩn bị các đồ dùng học tập cần thiết cho các em.

*Về phương pháp:chúng tôi bám vào quan điểm “Tích hợp ở các mức độ khác nhau” của nhóm tác giả,tùy vào từng chủ đề mà có những thay đổi sao cho giúp các em nâng cao nhận thức về đời sống xung quanh cũng như hiểu biết ban đầu về mĩ thuật để có sự phát triển nối tiếp về sau.Việc sử dụng phương pháp như thế nào còn phụ thuộc vào những gì các em đã biết về chủ đề.

Với dạng bài khái niệm có thể sử dụng phương pháp diễn dịch hay qui nạp trong tiếp cận khái niệm đồng thời thể hiện mối quan hệ đa chiều của chúng trong đời sống và trong nghệ thuật.Với dạng bài sử dụng khái niệm là dạng bài giúp các em tăng khả năng quan sát và nhận thức của bản thân về thế giới xung quanh,sử dụng những kiến thức về mĩ thuật để ghi lại và tạo ra sản phẩm theo chủ đề.

Tóm lại với khối 1 của chương trình mới chúng tôi tập trung vào các kĩ năng cơ bản nhất của môn học tạo tiền đề cho các năm học sau,giúp các em nhận dạng được các yếu tố mĩ thuật đầu tiên và sử dụng nó để tạo ra một sản phẩm mĩ thuật.giúp các em nâng cao nhận thức của các em về thế giới đời sống xung quanh và khả năng diễn đạt suy nghĩ của mình.Cách thực hiện này phù hợp với thực tiễn trường học và mô hình của trường học hiện nay.

III.Khó khăn của giáo viên

Sự thay đổi nào cũng có những khó khăn ,tuy nhiên qua thực tế tôi thấy có một số khó khăn dễ nhận thấy như sau:

+Đôi khi GV còn phân vân giữa 2 dạng bài khái niệm và sử dụng khái niệm.

+Để linh hoạt đòi hỏi GV phải hiểu nền tảng ngôn ngữ mĩ thuật cho dạng bài khái niệm,bởi vì có hiểu thì GV mới biết tiếp cận như thế nào cho đúng và nhìn thấy được hướng phát triển của nó,bản thân tôi cũng phải nghiên cứu lại những điều cơ bản nhất.

 +Sách giáo viên chỉ mang tính gợi ý tiến trình,phương pháp ,cách tổ chức .Trong khi môn Mĩ Thuật lại khá trừu tượng ,GV lại quen hướng dẫn cụ thể,điều này buộc GV phải nghiên cứu kĩ để hiểu ý đồ trong cách gợi ý của nhóm tác giả cũng như  suy nghĩ  để có sự thay đổi phù hợp với thực tế giáo dục của mình.

+Nguyên vật liệu dù là những vật liệu cơ bản nhất ,vẫn còn rất thiếu thốn,thường thì phụ huynh chỉ mua cho các em một đến hai lần trong năm mà các em lại thường xuyên làm mất hoặc không bảo quản được ,các dự án phức tạp một chút thì không biết lưu trữ như thế nào.

+Mỗi trường thường chỉ có một giáo viên Mĩ thuật ,nên số lượng HS khá đông.GV vừa phải đảm nhận chương trình mới vừa phải hoàn thành chương trình của dự án Đan Mạch vốn dĩ khá nặng nề và rất nhiều các hoạt động trong năm.Điều này khiến GVMT có phần áp lực,mệt mỏi và không có thời gian để tìm hiểu,suy nghĩ thêm.

Trên đây là một vài ý kiến của tôi về chương trình mới sau một năm thực hiện.

No comments:

Post a Comment