Lê Thủy tổng hợp
(Bài học từ thời sinh viên)
(Bài học từ thời sinh viên)
Trải qua trường kỳ lịch sử với biết bao biến thiên của xã hội bao lần tiếp xúc và giao lưu văn hoá, các tín ngưỡng dân gian của người việt nói chung cũng luôn vận động, gắn liền và phát triển cùng cuộc sống.Bài viết này chỉ đề cập đến tín ngưỡng phồn thực trong nghệ thuật tạo hình dân gian.
Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng sùng bái sự sinh sôi nảy nở của giới tự nhiên và con người. Hình thức tín ngưỡng này được các nhà khoa học cho rằng nó xuất hiện vào thời đá mới, khi bắt đầu có trồng trọt và chăn nuôi (trồng rau củ…) và được phổ biến trên toàn thế giới.
Phồn thực không chỉ là những hành vi nghi thức cầu mong được con cháu tiếp nối mãi mãi, sự sinh sôi nảy nở và hoa trái tươi tốt thông qua biểu tượng âm dương, giao hoà đực cái mà bên cạnh nó còn toát lên một sự khao khát về cuộc sống no đủ, và con người thiên nhiên hoà hợp.
Khát vọng sự sinh sôi nảy nở ấy cùng với thiên nhiên và con người đã thăng hoa trong nghệ thuật tạo nên những tác phẩm tạo hình mang đậm chất phồn thực.
Trần Ngọc Thêm đã giải nghĩa trong “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam: Việc thờ cơ quan sinh dục nam, nữ được gọi là sinh thực khí (sinh: đẻ, Thực: năng nổ, no đủ, khí: công cụ)
Đây là hình thái cơ bản của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hoá tâm linh của cư dân Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.Tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng có nguồn gốc xưa nhất của loài người.
Lần lại lịch sử, có thể thấy khi mà chế độ công xã thị tộc tan rã, xã hội chuyển qua thời kì có giai cấp với sự phát triển của các hình thức xã hội đặc thù. Trong đó có hình thức công xã nông thôn với nền kinh tế nông nghiệp dặc trưng. Chính hình thức đời sống xã hội này với nền kinh tế nông nghiệp đã làm nảy sinh ra một hình thức tôn giáo ứng với nó: những nghi lễ phồn thực mà sau này đã được phát triển lên thành tín ngưỡng phồn thực.
Nói đến tín ngưỡng phồn thực,chúng ta đều hiểu rằng đó là tiếng vang nào đó của tín ngưỡng nông nghiệp thời cổ về mối liên hệ siêu nhiên giữa con người với đất đai, cây trồng và vật nuôi mà chủ yếu là thông qua dục tính giữa nam nữ con người mà thông linh với sự sinh sôi nẩy nở trong tự nhiên
Để kiến giải cho nguồn gốc của lòng tin về sự phồn thực ứng với sự phì nhiêu của đất, sự sinh sôi của cây trồng và mắn đẻ của con người để rồi từ đó ra đời một tín ngưỡng, bao gồm những lí do sau:
Trước hết, đó chính là sự bất lực của con người làm ruộng nguyên thuỷ trước thiên nhiên. Việc tìm đến sự cứu trợ từ thiên nhiên bằng cách cầu xin để có được một vụ mùa có kết quả thông qua những phương thức cầu cúng và lễ bái là kết quả tất yếu của sự hạn chế về nhận thức và phương thức sản xuất thời bấy giờ.
cư dân nông nghiệp cho rằng Sự sinh sôi được tạo ra từ đất và vòng quay mùa vụ cũng ứng với sự sinh sôi nẩy nở của con người. Con người vốn từ lâu vẫn tin rằng đất đai và cây trồng cũng có cuộc sống và linh hồn, cùng với việc tôn thờ người phụ nữ, họ đã nhân hoá và gán cho đất đai, cây trồng những khả năng của con người. Từ khả năng đặc biệt của giới tính nữ đến khả năng kết phối của người mẹ.
Trong niềm tin của xã hội nông nghiệp nguyên thuỷ, họ cho rằng muốn cho đất đai phì nhiêu thì con người phải truyền thêm sinh khí cho nó bằng các hoạt động tình dục của chính con người. Có nghĩa là cuộc kết hôn của các cây lớn, nhỏ không thể dẫn tới sự sinh sôi phát triển nếu như không có được nguồn sinh khí lấy từ cuộc giao phối thật sự của những con người hai giới nam nữ.
Người xưa nghĩ rằng cây trồng và vật nuôi cũng giống như loài người chúng cần phải có sự kết hợp một cách mạnh mẽ. Vậy là con người thấy rằng phải làm mẫu và nhắc nhở thiên nhiên, cây trồng, động vật như một cách “truyền nghề” để cây trồng và động vật có những cuộc hôn phối có kết quả. Họ tin rằng hành động giao phối của con người sẽ gây cảm hứng sang muôn vật. Chính vì vậy trước mùa gieo cấy bao giờ người nông dân cũng thờ cúng và tái hiện việc giao phối âm -dương, đực- cái dưới các dạng thức khác nhau.
Với người làm nông nghiệp thì việc thực hành các nghi lễ trước và sau mỗi mùa vụ là hết sức quan trọng, người ta tin nó mang tính chính yếu quyết định sự phồn vinh của cây cỏ và mùa vụ.
Tín ngưỡng từ trước đến nay được hiểu là: lòng tin và ngưỡng mộ một tôn giáo hay một chủ nghĩa. Và người ta hay dung thuật ngữ “Sự thờ cúng” hay “Sự thờ phụng” khi nói về tín ngưỡng.
Ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người dân Việt Nam là rất lớn, mặc dù qua những gian đoạn lịch sử khác nhau, mức độ ảnh hưởng của nó hoàn toàn không giống nhau. Nhưng hình thức này hay hình thức kia nó luôn có mặt trong đời sống văn hoá dân gian và sinh hoạt hàng ngày của người Việt.
Tín ngưỡng phồn thực đã có mặt rất sớmt ở Việt Nam cách ngày nay hơn 3000 năm thông qua sự liên tưởng tới sự sinh sản. Tín ngưỡng đó tồn tại ở Việt Nam dưới hai dạng biểu hiện: Thờ sinh thực khí nam và nữ và thờ cả hành vi giao phối của người và của thú.
Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của văn hoá Việt Nam, chịu sự chi phối của lịch sử, của những hệ tư tưởng lần lượt xuất hiện ở Việt Nam. Và tư tưởng phồn thực này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy của con người Việt Nam, từ đó có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như chi phối tư tưởng trong các loại hình văn hoá dân gian người Việt.
Các di chỉ ở gò Mả Đống ( Hà Tây cũ ) người ta tìm thấy những vật hình Linga hay di chỉ ở Đồng Dậu. Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy được những hình ảnh âm vật ” Yoni ” hay những bức tượng thể hiện rát rõ đặc tính nữ.Như vậy nó đã xuất hiện từ thời nguyên thủy.
Cho đến nay những hình khắc trên đá được nhắc đến nhiều nhất như dấu ấn của nghệ thuật tạo hình nguyên thuỷ Việt Nam, đó là hình khắc người và thú trên vách đá hang Đồng Nội (Lạc Thuỷ- Hoà Bình- 10 000 năm) và bãi đá cổ SaPa. Những hình khắc trên hang Đồng Nội được phát hiện năm 1929 do bà Mcolani tìm ra . 1925 Victorcg Loubew phát hiện Tại thung lũng Mường Hoa kéo dài hơn 4km, rộng với gần 200 hòn đá lớn nhỏ khắc hình mặt trời, mưa suối, ruộng bậc thang, hình người cảnh giao phối… đã làm nên diện mạo mới cho những công trình nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật chạm khắc về bãi đá cổ Sapa.
Các hình chạm khắc cổ bãi đá thuộc di chỉ Suối Hoa, khá phong phú từ những vết khắc vạch song song nhiều lớp uốn lượn, những hình khắc theo tia tròn tượng trương cho mặt trời những hình tượng hình chữ nhật, hình tròn tượng trưng cho nhà nhà cửa, nương rẫy, hình con người với nhóm hoặc đơn lẻ xuất hiện hình thức lược đồ đơn giản nhất ở dạng khung dây, nhìn tư thế trực diện, nhấn mạnh bộ phận sinh dục, là hình ảnh tượng trưng cho một tín ngưỡng sơ khai bản địa.
Nghệ thuật của các hình chạm khắc ở bãi đá cổ Sapa , hình ảnh con người rất phong phú sơ lược, mơ hồ, tính chân dung dường như mờ nhạt bù lại cơ quan sinh dục được biểu hiện rõ nét. Phải chăng đó là một ước vọng khá đồng nhất mang tính tâm linh: Phồn thực như một nghĩa vụ, một quyền lực siêu nhiên để bảo tồn nòi giồng. Như một số hình người phụ nữ nhìn trực diện biến dạng hình khung dây nhưng chú ý nhấn mạnh cường điệu bộ phận sinh dục… những biểu hiện phồn thực sinh sản luôn là một ám ảnh được thị giác hoá với môt thái độ đặc biệt của nghệ thuật Nguyên Thuỷ tìm về bản năng sơ khai của loài người.
Đến thời kỳ văn hoá Đông Sơn, tín ngưỡng phồn thực tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình trong đời sống cư dân nông nghiệp Việt Nam. Khảo cổ học đã xác minh trên những di vật trống đồng Đông Sơn hay thạp đồng Đào Thịnh. Ngoài ra, trong những di tích khác mà chúng ta ta tìm được cũng thấy biểu tượng tín ngưỡng phồn thực như tượng người đàn ông Văn Điển bằng đá cao 3,6cm với sinh thực khí được nhấn mạnh… là biểu tượng tôn giáo quan trọng nhất đã phát hiện được, phản ánh tư duy trừu tượng của cư dân trồng lúa nước, là bằng chứng rõ nét nhất của tín ngưỡng phồn thực của tổ tiên người Việt.
Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn là biểu tượng của cư dân nền văn minh lúa nước… trống đồng Đông Sơn mặc dù to nhỏ khác nhau trang trí nhiều ít khác nhau, và thời gian đúc sớm muộn khác nhau nhưng đều cho thấy khá nhiều hình ảnh tính giao của động vật và con người được khắc trên mặt trống, thân trống và cả phần đế.
Trong thời đại kim khí, độc đáo nhất là 4 cặp nam nữ giao hoan dài 9cm trên thạp đồng (Đào Thịnh) Yên bái- 1966. Thạp cao 97cm (tính cả nắp) đường kính mặt thạp rộng 61cm, đường kính đáy 60cm, nắp cao 1,5cm. Không sắc sảo tinh tế nhưng có kết cấu không thua kém gì trống Đồng, tuy sự khác biệt giữa chức năng và ý nghĩa thực dụng và tâm linh của thạp là khác với trống. Trọng tâm của thạp là ngôi sao 12 cánh lan toả biểu tượng cho mặt trời là hình tượng biểu hiện đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước (hình mặt trời biểu tượng cho trung tâm của vũ trụ liên quan đến sự sống của muôn loài) Tuy nhiên mặt trời chia làm 4 phần mỗi phần 3 cánh, xen giữa 4 phần là 4 cặp nam nữ giao hoan. Đầu hướng tâm với mặt trời. Có ý nghĩa nhân năng lượng của tự nhiên và cảm giác lặp xoay tròn tạo cảm giác lan toả của vũ trụ, ở thạp mang tính phồn thực rõ nét.
Là cư dân của nền văn minh nông nghiệp lúa nước thạp dùng để đựng ngũ cốc với lý do đó tính phồn thực trên thạp đồng biểu lộ khả năng sinh sôi, đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái. Họ tin rằng hoạt động ân ái của nam nữ sẽ đánh thức sức sinh sản của hạt giống , sự kết hợp của âm dương sẽ khiến hạt giống nẩy mầm tăm tắp vươn lên tươi tốt.
Cho đến khi Phật giáo được xâm nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực vốn được khẳng định và bám rễ trong dân gian đã bắt đầu có những biến đổi. Với tư tưởng giải thoát, Phật giáo yêu cầu sự diệt dục nơi trần thế để con người đạt được cảnh giới như cõi niết bàn. Tín ngưỡng phồn thực lại luôn đề cao sự sinh sôi nảy nở, giống nòi với sự hợp nhất âm dương, đực cái, điều này đi ngược lại với những giáo lý của Phật giáo. Đối với hệ qui chiếu của phật giáo, tín ngưỡng này luôn bị coi là dung tục. Tôn giáo này khi xâm nhập vào Việt Nam đã có những biến dạng, trở nên hài hoà hơn với văn hoá bản địa, mở đường chấp nhận các thần linh của dân chúng.
Đến vương triều Lý, Trần, Phật giáo được tôn sùng, đề cao và từ đó tín ngưỡng dân dã dần bị cho là thấp kém và cần xoá bỏ. Vì vậy mà tín ngưỡng phồn thực đã bị cấm đoán khá gay gắt trong giai đoạn Lý, Trần (TK XI- XIII) khi mà Phật giáo trở thành quốc giáo và đưa ra những hệ chuẩn về cái thiêng đối lập với cái tục của tín ngưỡng Phồn thực.
Thời Lý là một triều đại nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật Việt Nam đã xây dựng một xã hội vững chắc với sự giao lưu văn hoá mạnh mẽ rộng rãi. Dưới sắc độ tâm linh tôn giáo kết hợp với dấu ấn mỹ cảm truyền thống phồn thực dân gian. Cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) biểu tượng của dấu ấn phồn thực
Mặc dù bị cấm khá nghiêm ngặt, nhưng vốn là tín ngưỡng nguyên thuỷ bản địa lâu đời, nó có một sức sống khá bền bỉ ẩn mình trong văn hoá làng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đấy trong việc thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) làm ra nước để vạn vật sinh sôi nẩy nở của phật giáo Việt Nam gợi liên tưởng đến ” cuộc mây mưa” theo cách nói dân gian để chỉ hành vi giao phối…hay sự xuất hiện một loạt các chùa tháp như Chùa Dạm (Bắc Ninh) tháp Báo Thiên, chùa Một Cột (Hà Nội) chùa Phật Tích (Bắc Ninh)…có bóng dáng của linga có dạng cột đá được trạm trổ hình rồng có dạng ngọn tháp có đầu nhọn vươn cao hay dưới dạng cột trụ đỡ chùa…là minh chứng vào sự chuyển hoá của tín ngưỡng phồn thực trong tâm thức dân gian thời kỳ này.
Khi nho giáo du nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực tiếp tục chịu sự tấn công lần thứ hai, mạnh mẽ hơn khi đối đầu với tôn giáo này. Với tư tưởng khắc kỷ, chủ trương phong bế dục vọng “Nam nữ thụ thụ bất thân” Nho giáo đặc biệt công phá tín ngưỡng phồn thực.
Từ thế kỷ XVI vương triều nhà Lê Sơ sụp đổ, mở đầu cho thời kỳ biến loạn suốt nhiều thế kỷ, chính quyền trung ương không đủ khả năng đem lại sự no ấm cho dân chúng, ảnh hưởng của chính quyền vì thế, đối với người dân trở nên mờ nhạt. Hơn lúc nào hết, lúc này “phép vua thua lệ làng” thành hoàng được tôn vinh, trở thành ông vua tinh thần và có vị trí nổi bật hơn các thế kỷ trước.
Xã hội dưới thời Mạc khá rối loạn,đây là thời kì nho giáo được chính quyền phong kiến sử dụng để ổn định chính trị với những giáo lý “khắc kỷ” do Chính quyền mải mê với cuộc nội chiến quyền lực sự quản lí đến làng xã trở nên lỏng lẻo.các nghệ nhân đã thả sức phóng túng thể hiện khát vọng sự phản kháng trên các tác phẩm của mình. Điều đó nói lên rằng, tín ngưỡng phồn thực vẫn luôn được bảo tồn bằng cách an trú trong cõi vô thức,
trong chạm khắc đình làng với hình ảnh nam nữ vui đùa, chọc nghẹo nhau,ân ái được thể hiện hần hết ở các ngôi đình Bắc Bộ.
Tính chất phồn thực và các biểu tượng của sự hoà hợp âm dương trên chạm khắc chùa, đình làng gợi ta nhớ đến những trò diễn mang tính nghi lễ như nỏ nường, tắt đèn bắt chạch trong chum…trong các lễ hội dân gian. Chúng thể hiện một hy vọng rằng, quanh năm các thần linh sẽ chứng giám mà phù hộ cho mùa màng tươi tốt và bội thu, đem lại sự no ấm cho dân làng” bộc lộ những mong muốn, những suy nghĩ của người dân với khát vọng “năng sinh năng sản” của con người.
Đến thế kỷ XIX khi nhà nguyễn đặt nho giáo vào vị trí độc tôn thì từ thời gian này trở đi, tín ngưỡng phồn thực đã thực sự bị lắng đọng xuống tầng sâu văn hoá.
Như vậy bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng nguyên thuỷ dựa trên nguyên lý kết hợp hài hoà âm dương là nguồn cuội của sinh sản nẩy nở thì tâm thức người việt luôn chịu sự dồn ép khá mạnh của tư duy diệt dục phật giáo,của đạo đức khổng mạnh coi bản năng tình dục giũa nam và nữ là điều xấu cần xấu giếm hay xoá bỏ và của quan niệm nho giáo
Mỹ thuật là một phương tiện có thể phản ánh những tư tưởng triết lý của cá nhân và cộng đồng thông qua các biểu tượng.Đối với điêu khắc và trang trí, tín ngưỡng phồn thực tồn tại như một nét đẹp của văn hoá Việt Nam toát lên một niềm khao khát về cuộc sống no đủ của con người và thiên nhiên giao hoà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Ngọc Thêm (1997) Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam-NXBQG
2. Trần Ngọc Thêm – Giáo trình cơ sở văn hoá Việt Nam- NXBQG
3. Chu Quang Trứ – Tượng cổ Việt Nam và truyền thống điêu khắc dân tộc
2001- NXBMT
4. Tạp chí văn hoá nghệ thuật -Số 10 – 2006
5. Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển
6. Nguyễn Văn Huyên (2001) – Đồ Đồng Văn Hoá Đông Sơn- NXBQGHN
7. Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Tấn Cứ (1995) Điêu khắc nhà mồ Tây
Nguyên
8. Lê Văn Kỳ (2002) Lễ hội nông nghiệp Việt Nam – NXQGHN
9. Một vài tài liệu khác tham khảo.
No comments:
Post a Comment