Về học thuyết Trung dung của Nho gia.
Mình là dân Hán Nôm nên cũng phần nào ngấm nghía học thuyết này: Trung bất thiên, Dung bất dịch. Ở cái xã hội mà mọi người đang ngày một cực đoan hơn trong lối sống, có lẽ nên nhìn nhận lại học thuyết này .
Mình thích nhận thức của Lâm Ngữ Đường đối với học thuyết Trung dung. Ông viết:
Cái lối sống điển hình cao nhất là lối sống trung dung mà Tử Tư cháu nội Khổng Tử đã dạy cho chúng ta. Chưa có một triết học nào tìm được một chân lý thâm thúy như học thuyết Trung Dung, một học thuyết chỉ cho ta sống một cách điều hòa giữa hai cực đoan. Cái đạo lý nhẹ nhàng đó đạt tới một sự quân bình giữa động và tĩnh, tạo nên lý tưởng của một hạng người không khinh danh mà cũng trọng sự ẩn dật, hoạt động một cách vừa phải mà lười biếng cũng vừa phải, không nghèo đến nỗi không trả nổi tiền thuê nhà, không giàu đến nỗi có thể không làm gì mà vẫn có ăn hoặc có thể luôn luôn giúp đỡ bạn bè một cách vừa ý được, chơi đàn nhưng chỉ đủ để tiêu khiển hoặc để người thân nghe, chơi đồ cổ nhưng chỉ thu thập ít món đủ để trang hoàng trên một cái tủ, đọc sách nhưng không đọc nhiều quá, nghiên cứu nhưng không thành một chuyên gia, viết văn nhưng cứ hai bài thì tòa báo gởi trả lại một. Tóm lại là lý tưởng của một lối sống trung bình. Lý tưởng đó được Lý Mật Am tả rất khéo trong bài Bán bán ca:
… Nửa đọc sách nửa làm ruộng nửa buôn bán
Nửa là kẻ sĩ nửa gần bình dân
Đồ dùng nửa nhã nửa thô
Nhà cửa nửa đẹp nửa xấu
Thức ăn nửa phong nửa kiệm
Vợ nửa dại nửa khôn
Tính tình nửa Phật nửa Tiên
Tên tuổi nửa mờ nửa tỏ
…Uống rượu nửa say mới thú
Ngắm hoa bán khai mới đẹp
Thuyền dương nửa buồm mới khỏi lật
Ngựa ghì nửa cương mới an lành…
Đem cái triết học lánh đời của Đạo giáo dung hòa với triết học tích cực của Khổng giáo thì thành triết học Trung dung. Con người đã sinh ra ở giữa khoảng trần thế chân thực và thiên đường hư ảo thì theo tôi, lối sống đó vẫn là hơn cả vì cận nhân tình hơn cả… Quý hơn nữa là lối sống trung dung tạo được một nhân cách điều hòa – mục đích của mọi nền văn hóa và giáo dục…
Trần kim anh
No comments:
Post a Comment